Việc cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, các chính sách và hướng dẫn thủ tục hành chính trên mạng thông qua những trang thông tin điện tử, cổng tác nghiệp điện tử của các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành trong cả nước là một trong những bước đi cơ bản, phục vụ trực tiếp cho người dân và DN, tiến tới xây dựng CPĐT.
Nằm trong lộ trình đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT và xây dựng CPĐT, Bộ TT-TT đã công bố bản đánh giá các trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương theo hai tiêu chí: số lượng truy cập và mức độ của dịch vụ hành chính công.
Mô hình 4 mức độ phát triển của các dịch vụ hành chính công trực tuyến được áp dụng đối với VN, bao gồm:
Mức độ 1: Cổng thông tin điện tử có đầy đủ thông tin về quy trình thủ tục thực hiện dịch vụ, các giấy tờ cần thiết, các bước tiến hành, thời gian thực hiện, chi phí thực hiện dịch vụ.
Mức độ 2: Ngoài thông tin đầy đủ như mức độ 1, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng tải về các mẫu đơn, hồ sơ để người sử dụng có thể in ra giấy, hoặc điền vào các mẫu đơn. Việc nộp lại hồ sơ sau khi hoàn thành được thực hiện qua đường bưu điện hoặc người sử dụng trực tiếp mang đến cơ quan thụ lý hồ sơ.
Mức độ 3: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1 và các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, cổng thông tin điện tử cho phép người sử dụng điền trực tuyến vào các mẫu đơn, hồ sơ và gửi lại trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ sau khi điền xong tới cơ quan và người thụ lý hồ sơ. Các giao dịch trong quá trình thụ lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện qua mạng. Tuy nhiên, việc thanh toán chi phí và trả kết quả sẽ được thực hiện khi người sử dụng dịch vụ đến trực tiếp cơ quan cung cấp dịch vụ.
Mức độ 4: Ngoài thông tin đầy đủ như ở mức độ 1, các mẫu đơn, hồ sơ cho phép tải về như ở mức độ 2, gửi trực tuyến hồ sơ và thực hiện các giao dịch qua mạng như ở mức độ 3, việc thanh toán chi phí sẽ được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện.
Theo kết quả đánh giá mới nhất về mức độ truy nhập và cung cấp dịch vụ hành chính công của các trang thông tin điện tử của các bộ và địa phương, công bố ngày 2/7/2008 của Bộ TT-TT, ở cấp địa phương, hiện nay có 54.7% địa phương (tính trên số 64 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương) đã triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức một, 28.1% địa phương đã triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức hai và 4.7% địa phương đã triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức ba. Trang thông tin điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh, tính trên tổng thể các tiêu chí được đưa ra trong đánh giá này, thuộc nhóm dẫn đầu.
Ở cấp bộ, trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tư pháp cung cấp nhiều dịch vụ hành chính công trực tuyến nhất. Dịch vụ hành chính công cấp 3 chỉ có tại trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao.
Có 16/22 các bộ, ngành đã có trang thông tin điện tử, trong đó cổng thông tin điện tử Chính phủ cung cấp nhiều thông tin phong phú và có lượng truy cập cao.
Đây là lần đầu tiên Bộ TT-TT tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước, thể hiện tinh thần quyết tâm trong vai trò chủ đạo đối với lĩnh vực CNTT - truyền thông của đất nước. Lãnh đạo Bộ TT-TT, Cục Ứng dụng CNTT cho biết sẵn sàng lắng nghe, kiểm chứng bất kỳ một thắc mắc nào về kết quả đánh giá này nói riêng và mong muốn nhận được mọi đóng góp của người dân, của những người làm CNTT, của các DN, các chuyên gia, với mục đích thúc đẩy thật nhanh và có kết quả con đường ứng dụng CNTT và phát triển CPĐT ở VN.
Báo điện tử VietNamNet trân trọng mở diễn đàn thảo luận về tình hình ứng dụng CNTT, tiến tới chính phủ điện tử, trước mắt là trách nhiệm trong các cơ quan nhà nước, và sau đó là trong tất cả cơ quan, DN, tổ chức và trong mỗi cá nhân từng công dân VN. Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của quý độc giả về vấn đề này